Người mẹ của 24 đứa con rơi

C.T.M. (Tình thương & Cuộc sống)

Để giấc ngủ các con thêm sâu, thêm ngon trong những ngày mưa rơi, giá lạnh, sư cô Thích Nữ Minh Nguyên, trụ trì chùa Bửu Châu, phường Thống Nhất, TP Pleiku (Gia Lai) kéo lại và đắp thêm tấm chăn ấm mới bị các con ngủ mê, chân tay vung vẩy làm rớt xuống. Ngày đếm nối nhau, gần 7 năm qua, sư cô vẫn lặng lẽ, cặm cụi và âm thầm nuôi những đứa con rơi hơn cả tình mẫu tử.

Ở TP Pleiku hẳn ai cũng biết những câu chuyện buồn về thân phận những đưa trẻ bị bỏ rơi, những đưa trẻ sinh ra trong gia đình khó khăn đến xin nương nhờ cửa Phật. Và câu chuyện về “người mẹ” Minh Nguyên chốn tu hành, ngày tháng buồn vui theo nụ cười, tiếng khóc của trẻ nhỏ do mình nuôi nấng. Đã nhiều năm qua, những hộ gia đình sống gần chùa Bửu Châu không khỏi ngạc nhiên và mất ngủ khi “bị đánh thức” bởi tiếng khóc ré giữa đêm khuya trong chùa của những trẻ sơ sinh thiếu sữa bú và bàn tay chăm bẫm thân thuộc, hạnh phúc của người mẹ.

Tiếng ru à… ơi… mới đầu ngượng ngập, khô cứng, rồi ngọt dần qua thời gian. Đó là dấu ấn ban đầu tập “làm mẹ” của sư cô Thích Nữ Minh Nguyên. Một ngày cuối tuần, giữa tháng 8/2007, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Sáu, người quản trang ở TP Pleiku (Gia Lai) cho biết: “Rạng sáng ngày giáp tết Đinh Hợi, tôi phát hiện bên lề đường vào nghĩa trang một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi và đã chết (chuyện này vẫn hay bắt gặp ở đây). Tôi thấy lòng quặn đau, chôn cất hài nhi xấu số xong và đang thắp cho bé những nén hương thơm thì nhận được điện thoại: Có một bà mẹ muốn bán con! Tôi vội vàng gọi lại cho người báo tin bảo thuê taxi cho cả hai mẹ con đó đến một quán nước gần nghĩa trang đợi…

Bà mẹ trẻ chừng 26-27 tuổi bế một đứa bé còn đỏ hỏn. Những cơn mưa giáp Tết bớt nặng hạt nhưng gió vẫn thổi mạnh. Hơi lạnh căm căm. Thằng bé mới 3 ngày tuổi rúc đầu trong tấm chăn ấm, ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ. Mẹ của cháu bé cứ khóc mãi khi tôi hỏi tại sao lại muốn bán con và nói cần 5 triệu đồng để về quê ở ngoài Bắc. Biết là khuyên giải không thể được, tôi gọi một số người nữa đến chứng kiến để đề phòng chuyện này nọ rồi chạy về nhà lấy tiền, cùng vợ chạy ra. Bà mẹ lắc đầu khi tôi hỏi có muốn biết con mình sẽ được đem đi đâu, có cần địa chỉ để sau này liên lạc.

Đứa bé được tôi đưa đến chùa Bửu Châu và nhờ sư cô Minh Nguyên dang tay trợ giúp. Sư cô gật đầu và như vậy là sư cô đã có thêm một đứa con, cuộc sống mới của một sinh linh bé nhỏ đang hồi sinh trong tình thương và sự chăm sóc hơn cả tình mẫu tử của sư cô Minh Nguyên”.
Bé được đặt tên Nguyễn Mạnh Triệu (lấy họ của sư cô), có nước da trắng ngần, bụ bẫm. Chỉ tội là bé bị bệnh hẹp đường thở nên hay đau vặt. Thương con, sư cô đã khăn gói mấy lần đưa bé vào TP HCM khám, điều trị nhưng các bác sĩ bảo phải kiểm tra kỹ hơn để mổ. “Bé còn nhỏ quá, tôi sợ nên chưa dám, để lớn một chút nữa rồi hẵng hay. Mấy hôm nay cháu quấy đêm, tôi phải thức trắng để trông” – sư cô Minh Nguyên nói.

Người mẹ nơi cửa chùa trong sân chùa thoáng mát và rợp bóng cây xanh, thoang thoảng hương trầm và tiếng mõ tụng kinh vang lên đều đều nhưng sâu thẳm, sư cô Minh Nguyên chỉ một bé trai đang tập đi trong xe đẩy cho biết đó là đứa trẻ sắp bị mẹ bán đi. Mẹ của bé lấy chồng mới. Phận bé sắp xa mẹ, đến làm con cho một gia đình lạ lẫm. Biết chuyện, dì của bé đã lén bồng cháu đi trong đêm vì sáng hôm sau, người ta đến mua bé với giá…2 triệu đồng…

Về nhà chùa được “mẹ sư” chăm sóc chu đáo, bé không còn xanh xao như trước vì sự ghẻ lạnh, nhẫn tâm của bà mẹ đẻ thiếu tình thương. Một buổi sáng cách đây hơn 8 tháng, khi ra mở cửa chùa, sư cô Minh Nguyên giật mình thấy một cái bọc, bên ngoài quấn khăn đặt ngay trước cửa. Sư cô cắn môi để tiếng khóc của mình không bật lên khi trước mặt là một bé gái, chỉ chừng vài ba ngày tuổi đang thoi thóp thở và khóc không thành tiếng vì kiệt sức và khát sữa, xung quanh đàn kiến vàng đang kéo đến…

Đứa bé được sư cô bồng vào chùa, sau khi lấy nước nóng tắm rửa và ủ thêm khăn ấm, bé thôi khóc và ngấu nghiến bú chai sữa, da hồng hào trở lại, sư cô Minh Nguyên thở phào và nở nụ cười hạnh phúc, thế là thêm một sinh linh bé nhỏ được mình cứu sống. Những ngày đầu, thiếu hơi mẹ và chưa quen bú sữa bình bé cứ rấm rứt khóc, sư cô Minh Nguyên phải dành nhiều thời gian bồng bế và dỗ dành cháu. Các đạo hữu và những người làm công quả cho nhà chùa cũng thêm tay giúp săn sóc bé. Nay bé Nguyễn Ngọc Trâm (tên do sư đặt) đã hơn 8 tháng tuổi, đang chập chững. Ánh mắt của sư cô Minh Nguyên lấp lánh cười theo từng bước đi non nớt, từng nụ cười ngây thơ của Trâm.

Một chuyện buồn lại đến với gia đình anh nông dân nghèo ở Ia H’Lóp huyện Chư Sê (Gia Lai). Trong sự túng quẫn, phẫn chí, người bố đã đang tâm giết vợ. Bố đi tù, 6 đứa con bơ vơ. Hơi ấm tình thương trở thành khát vọng viển vông của con trẻ. Giận con rể bạc tình, phụ nghĩa nhưng thương cháu, bà mẹ vợ đành nén lòng đón 3 cháu ngoại về TP Pleiku nuôi, dẫu cuộc mưu sinh của chính bà cũng không ít nhọc nhằn. Ba anh em còn lại, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi là Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Thị Sâm và Nguyễn Văn Phong được sư cô Minh Nguyên đón vào chùa gần 7 tháng nay. Ký ức về người cha, về gia đình còn vương nét hãi hùng qua lời kể của các cháu. Cả 3 anh em đều được sư cô cho đi học. Bà ngoại thỉnh thoảng vào thăm cháu rồi lặng lẽ gạt nước mắt ra về.

Kể đến đây, sư cô Minh Nguyên giọng buồn buồn, kể thêm với chúng tôi về chuyện một cô gái làng chơi ở TP Pleiku trước đó lỡ có con với khách mua vui và đã bán đứa con của mình. Một ngày chiều tháng 3, cổng chùa có chuông và một người con gái tới chùa Bửu Châu, nơi sư trụ trì xin làm công quả cho chùa. Sư gặng hỏi tại sao tới chùa thì cô gái lựa lời chối quanh. Cô gái được nhận nhưng nhà chùa vẫn trả cho cô gái một khoản tiền (những người làm công quả cho nhà chùa thường không nhận tiền). Mới 3 tháng thì cô nằng nặc xin tiền trước. Những người cùng làm công quả cho biết: Trước khi đến chùa, cô gái này đã có thai 2 tháng. Cô xin tiền để đi phá thai.

Vậy là sư cô Minh Nguyên cho cô nghỉ ngơi và gọi lên “tìm hiểu sự thể” và khuyên cô không nên phá thai mà đắc tội với đời! Nếu sợ gia đình thì sư cô sẽ lo giùm khi cô sanh nở; nếu không có điều kiện nuôi con thì nhà chùa sẽ nuôi giùm cho đến khi cháu cứng cáp… Cô gái cúi đầu đồng ý và sau đó… một bé gái ra đời. Cứ tưởng cuộc đời của cháu sẽ hạnh phúc bên người mẹ! Nhưng khi bé được 4 tháng thì cô gái đã ẵm con ra khỏi phòng trọ mà nhà chùa đã thuê cho. “Một thời gian sau thấy cô ấy ăn mặc diêm dúa, hỏi con đâu thì cô ấy chỉ im lặng. Mình nghĩ có thể cô ấy đã bán con mất rồi. Chỉ tội đứa nhỏ!” – sư cô Minh Nguyên buồn bã.

Những đứa trẻ lay lắt phận đời được sư cô Minh Nguyên nhận nuôi từ năm 2000 đến nay đã lên đến 24 em, và con số này hẳn không dừng ở đó. Các cháu đều được sư cô cho đi học. Hiện có 4 cháu dưới 22 tháng tuổi.

Sư cô kể với tôi những trường hợp học hành chăm chỉ, đạt kết quả tốt với sự vui mừng. Đó là trường hợp em Nguyễn Thị Hoài Tâm ở xã An Phú, TP Pleiku, ba bỏ đi, mẹ đau yếu còn phải nuôi ông ngoại gần 90 tuổi. Tâm được sư cô nhận về nuôi từ năm 2000, khi em học lớp 10 và nay đã sắp lấy bằng đại học ngoại ngữ ở trường đại học (Bình Định). Sư cô nói: “Ngày cháu báo tin đã đậu đại học, tôi mừng đến… mất ngủ. Tôi vẫn luôn dạy cháu về tình mẫu tử. Chỉ vì mẹ không đủ tiền để chu cấp việc ăn học của cháu… Những cháu nào còn lại vào được đại học tôi cũng cố; chỉ mong chúng nên người”. Số trẻ này đều được sư cô Minh Nguyên ghi lại lai lịch cẩn thận để một mai, nếu thân nhân của các cháu quay lại thì còn cơ may tìm. Cũng đã có người tìm nhưng vì gia cảnh nên chỉ biết lặng lẽ nhìn con, cháu từ xa.

Các cơ quan chức năng ở phường Thống Nhất, TP Pleiku hay các thầy cô giáo các trường đều nhìn sư cô Minh Nguyên với ánh mắt đầy thông cảm khi sư cô đi đăng ký giấy khai sinh, họp phụ huynh cho các cháu… Một sự đồng cảm đầy tính nhân văn bởi sư cô vốn cũng là một đứa trẻ mồ côi. Có người đến xin nhận con nuôi đều nhận được cái lắc đầu kiên quyết của sư cô. Chia tay với chúng tôi, sư cô Thích Nữ Minh Nguyên – Người “mẹ” yêu của những trẻ em bất hạnh nói theo: “Nhờ các nhà báo giới thiệu, chắc chắn chúng tôi sẽ còn nhận và nuôi nhiều cháu bé…”. Sau nụ cười, chúng tôi thấy trên gương mặt phúc hậu của sư cô Minh Nguyên, nơi khóe mắt những giọt nước mắt rơi xuống. Đó là nước mắt của niềm vui, hạnh phúc cũng là nước mắt của niềm vui thiện nhân…

http://tinhthuongvacuocsong.vn/xem-tin-tuc/tam-long-nhan-ai/nguoi-me-cua-24-dua-con-roi.html

Bài này đã được đăng trong Xã hội và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này